Liên hệ ngay:
- Hotline/Zalo: 0931.317.431
- Dịch vụ bảo dưỡng: 0901.729.730
- Thiết bị chẩn đoán: 0903.621.264
Mấy hôm nay mình nhận nhiều câu hỏi từ khách hàng về OBD2. Rất nhiều anh em thợ garage không biết hoặc biết rất ít về OBD2. Trong bài viết này, mình sẽ trình bày sơ lược về OBD2 và tập trung vào cách sử dụng các chức năng trong OBD2 để sửa chữa xe.
OBD là gì
Đầu tiên, mình giải thích OBD là gì? OBD (viết tắt là On-Board Diagnostic) là một chương trình trong hộp điều khiển của xe dùng để chẩn đoán hư hỏng trong hệ thống. Như vậy bên cạnh chức năng điều khiển hoạt động của hệ thống thì hộp điều khiển còn có khả năng tự chẩn đoán để báo hư hỏng ở chỗ nào. Ngày xưa xe không có hộp điều khiển nên dĩ nhiên là không có chuẩn chẩn đoán OBD. Ngày nay trên một chiếc xe thì có rất nhiều hộp điều khiển và mỗi hộp điều khiển đều có chương trình tự chẩn đoán OBD. Lý do là hệ thống điều khiển cần tín hiệu đầu vào của rất nhiều cảm biến để điều khiển các bộ chấp hành ở đầu ra: van, quạt, mô tơ… nên nếu có chức năng tự chẩn đoán sẽ giúp biết được hư hỏng ở cảm biến nào, mô tơ nào …
Tất cả các hộp điều khiển điện tử trên xe đều có chức năng tự chẩn đoán chứ không phải chỉ có hệ thống điều khiển động cơ. Hệ thống phanh ABS, túi khí, táp lô, đèn… nếu có hộp điều khiển điện tử thì đều có chức năng tự chẩn đoán. Và trên xe sẽ có một giắc gọi là giắc chẩn đoán và thợ sửa chữa xe có thể dùng thiết bị bên ngoài gọi là máy chẩn đoán để đọc các thông tin từ bộ điều khiển để sửa chữa: mã lỗi, dữ liệu động, cài đặt…
Mô hình điều khiển của bộ điều khiển động cơ. Bên cạnh việc điều khiển các thiết bị đầu ra dựa vào các tìn hiệu đầu vào thì hộp điều khiển còn có chức năng tự chẩn đoán
Phần này sẽ trình bày về quá trình phát triển của chuẩn chẩn đoán OBD. Hộp điều khiển điện tử được sử dụng trên xe từ những năm 1969 và trở nên phổ biến từ những năm 1980. Nhưng ở thời điểm đó mỗi xe có một chuẩn chẩn đoán riêng, và giắc chẩn đoán cũng khác nhau, Toyota có giắc chẩn đoán của Toyota, Mercedes có giắc chẩn đoán của Mercedes, chuẩn này mình gọi là OBD1.
Các xe đời cũ, mỗi hãng sử dụng giắc chẩn đoán riêng
Từ năm 1996 ở Mỹ nhằm siết chặt tiêu chuẩn khí thải và thực hiện việc kiểm định khí thải định kỳ, chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả các xe bán tại Mỹ phải có 1 giắc chẩn đoán chung và phải có một chuẩn chẩn đoán chung cho động cơ theo yêu cầu của chính phủ. Vì nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là động cơ, nhưng sau này nhiều hệ thống khác cũng xài chuẩn OBD2 là bộ điều khiển hộp số, bộ điều khiển khung gầm, bộ điều khiển Hybird… Như vậy tất cả xe từ năm 1996 tại Mỹ phải xài chung 1 giắc chẩn đoán và chuẩn chẩn đoán, cái chuẩn này mình gọi là OBD2.
Chuẩn OBD2 được trang bị trên tất cả xe từ 1996 tại MỸ, ở Việt Nam thì khoảng 2004 mới phổ biến
- Toyota: Innova trước 2015, Vios trước 2004, mặt dù vẫn có giắc chuẩn OBD2 16 chân
- Audi: Toàn bộ Audi tại Việt Nam đã bị cắt OBD2
- Kia: Kia Spectra, Carens
- Daewoo: Matiz trước 2004, Nubira II trước 2002
- Mazda Premacy, Mazda 323, Mazda 626
OBD2 ra đời sau và có nhiều cải tiến nhằm kiểm soát chặt chẽ các hư hỏng trong hệ thống điều khiển của xe:
- Khả năng phát hiện các hư hỏng chập chờn: chuẩn OBD1 chỉ có thể xác định một hư hỏng khi nó thật sự xảy ra, nếu như một cảm biến hay bộ chấp hành nào đó bị xuống cấp, tức là hoạt động tốt ở tải nhẹ nhưng khi có tải nặng hoặc tốc độ cao thì nó lại hoạt động không tốt. Khi các hệ thống, cảm biến này hoạt động kém, sẽ làm cho hoạt động của xe không còn tối ưu và sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó chuẩn OBD2 có các chương trình giám sát liên tục hoạt động của xe, khi có một dấu hiệu chập chờn là chuẩn OBD2 phát hiện được ngay.
- Cung cấp nhiều chế độ chẩn đoán: OBD2 cung cấp nhiều chế độ chẩn đoán giúp cho người thợ hiểu rõ hơn về hư hỏng từ đó sửa chữa tốt hơn: Đọc mã lỗi, Dữ liệu động, chức năng kiểm tra các bộ phận, thông tin hộp điều khiển… Trong khi OBD1 chỉ cho đọc mã lỗi.
Ở phần trên, chúng ta biết là chuẩn OBD2 được nạp vào hộp điều khiển để giám sát hoạt động của xe nhằm phát hiện hư hỏng, giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Và chuẩn OBD2 chủ yếu được trang bị cho động cơ và hộp số.
Tuy nhiên hệ thống điều khiển động cơ và hộp số trên xe cũng có một chuẩn chẩn đoán của hãng, chuẩn chẩn đoán của hãng sẽ có nhiều chế độ chuẩn đoán hơn và nhiều thông tin hơn như là: dữ liệu động chi tiết hơn, kích hoạt hoạt động của các van, bộ chấp hành, cài đặt lại các thông số của hệ thống, lập trình lại hộp… Nó cho phép người thợ sửa chữa đọc nhiều thông tin hơn để sửa chữa một mã lỗi. Như vậy đối với hệ thống điều khiển động cơ và hộp số sẽ có 2 chuẩn chẩn đoán: chuẩn chẩn đoán OBD2 và chuẩn chẩn đoán của hãng.
Ngoài ra trên xe thì có rất nhiều hộp điều khiển như là hộp điều khiển phanh ABS, túi khí, táp lô, đèn, hệ thống điện… Các hệ thống này không gây ra khí thải ổ nhiễm môi trường nên không cần trang bị chuẩn chẩn đoán OBD2, vì vậy chúng chỉ có chuẩn chẩn đoán của hãng.
1. Đọc mã lỗi: Khi đèn báo lỗi động cơ sáng lên tức là đã có một hư hỏng trong động cơ. Chúng ta sẽ đọc mã lỗi trong OBD2 để biết xe đang bị lỗi gì, ví dụ:
P0100: Mạch Lưu Lượng Hay Khối Lượng Khí Nạp
P0115: Hỏng Mạch Nhiệt Độ Nước Làm Mát Động Cơ
Chức năng đọc mã lỗi sẽ cho chúng ta biết hư hỏng ở bộ phận nào, hệ thống nào
2. Xóa mã lỗi: Sau khi sửa chữa xong mã lỗi, chúng ta sử dụng chức năng này để xóa mã lỗi và làm tắt đèn báo lỗi. Nếu không xóa lỗi thì đèn báo lỗi sẽ tiếp tục sáng mặc dù lỗi đã sửa xong.
Chức năng xóa mã lỗi sẽ xóa thông tin mã lỗi trong xe, khi thực hiện chức năng này nó sẽ làm tắt đèn báo lỗi
3. Dữ liệu động: Chúng ta có thể xem thông số trực tiếp từ xe để biết các hoạt động của các cảm biến, van, bộ chấp hành như thế nào. Các thông tin này rất hữu ích trong quá trình chẩn đoán và sửa chữa một hư hỏng trên xe.
Chức năng dữ liệu động cho biết thông tin từ các cảm biến, hoạt động của các hệ thống trong xe
4. Trạng thái của trình giám sát: Trình giám sát là một chương trình tích hợp trong chế độ OBD2 nhằm giám sát hoạt động của xe. Khi sửa chữa xong một mã lỗi, chúng ta xóa mã lỗi để làm tắt đèn báo lỗi, điều này cũng reset trạng thái của trình giám sát. Lúc này điều cần làm là lái xe trên đường để các trình giám sát hoạt động nhằm xác nhận kết quả sửa chữa. Nếu mã lỗi xuất hiện trở lại có nghĩa là hư hỏng vẫn chưa giải quyết xong, nếu không có mã lỗi xuất hiện có nghĩa là quá trình sửa chữa đã hoàn thành, xe đã sẵn sàng giao cho khách hàng.
Trạng thái của trình giám sát giúp xác nhận kết quả sửa chữa. Sau khi xóa mã lỗi xong, phải lái xe trên đường đến khi các trình giám sát hoàn thành (chuyển sang màu xanh)
5. Thông tin xe, hộp điều khiển: Cho biết thông tin về số VIN của xe và thông tin hộp điều khiển. VIN là số khung xe, ngày nay thông tin VIN được nạp vào bộ điều khiển của xe luôn. Thông tin CALID (Calibration Identification) và CVN (Calibration Verification Numbers) là version của bộ điều khiển.
Thông tin xe, hộ điều khiển cho biết các thông tin của xe và bộ điều khiển
6. Ngoài ra còn có kiểm tra cảm biến Oxy và các hệ thống của động cơ (bộ xúc tác, hệ thống thu hồi hơi nhiên liệu EVAP, hệ thống luân hồi khí xả EGR…). Mình sẽ viết một bài về chủ đề này.
Các bạn xem Video sử dụng chức năng OBD2 trên máy Cartek 2 để chẩn đoán và sửa chữa xe nha
Video: CarTek 2 - Phần 1 - Chẩn đoán OBD2